Thiếu máu không chỉ làm suy giảm sức khỏe người bệnh mà đôi khi còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Vậy người bị thiếu máu nên ăn gì để giúp xây dựng tế bào máu tốt hơn?
Tìm hiểu thiếu máu là gì? Nguyên nhân gây thiếu máu
Thiếu máu là hiện tượng giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm số lượng huyết sắc tố chức năng ở máu ngoại vi gây ra tình trạng máu thiếu oxy để cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể. Khi một người bị thiếu máu, nồng độ huyết sắc tố trong máu của người đó sẽ thấp hơn so với người cùng lứa tuổi, giới tính và môi trường sống.
Các dạng thiếu máu và nguyên nhân của mỗi dạng:
Thiếu máu do chảy máu: có thể là do chấn thương (cấp tính), hoặc do giun móc, trĩ chảy máu (mạn tính)…
Thiếu máu do thiếu yếu tố tạo máu: nếu một trong những hàm lượng các yếu tố tạo màu như chất sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin C hoặc protein,… con người sẽ dễ rơi vào tình trạng thiếu máu.
Thiếu máu do rối loạn cơ quan tạo máu: tủy là cơ quan tạo máu chính ở người, tủy suy nhược, loạn sản tủy xương, tủy xương bị lấn át, chèn ép do các tổ chức ác tính hoặc di căn ung thư vào tủy xương sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, gây ra hiện tượng thiếu máu ở người.
Thiếu máu do huyết tán: do hồng cầu bất thường, do miễn dịch, nhiễm độc, nhiễm trùng, bỏng…
Triệu chứng của bệnh thiếu máu
Hoa mắt, chóng mặt, u tài thường xuyên hoặc khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức có thể ngất đi là dấu hiệu phổ biến của bệnh thiếu máu. Ngoài ra, khi số lượng hồng cầu giảm có thể dẫn đến tình trạng da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, có thể kèm theo vàng da, sạm da.
Đau đầu, suy giảm trí nhớ, mất ngủ thường xuyên, mệt mỏi hay cáu gắt, giận dữ, tê tay chân, giảm sút sức lao động trí óc và chân tay; hồi hộp, khó thở, đánh trống ngực, đau vùng trước tim do thiếu máu cơ tim; chán ăn, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu máu.
Những nguy cơ dẫn đến tình trang thiếu máu ở người
Những người có chế độ ăn uống thiếu một số vitamin nhất định chẳng hạn như thiếu chất sắt, vitamin B-12 và folate.
Người bị các bệnh rối loạn đường ruột như bệnh celiac và bệnh Crohn.
Phụ nữ chưa mãn kinh có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt cao hơn nam và phụ nữ sau mãn kinh do kinh nguyệt gây ra sự mất mát các hồng cầu.
Phụ nữ mang thai: thai phụ thường có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt vì chất sắt dự trữ phải phục vụ cho khối lượng máu tăng lên và là nguồn tạo hemoglobin thai nhi bạn phát triển.
Người bị bệnh mạn tính. Một số bệnh mạn tính như ung thư, suy thận… có thể dẫn đến sự thiếu hụt hồng cầu. Dần dần, hiện tượng mất máu mãn tính từ một vết loét hay các nguồn khác trong cơ thể có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ sắt của cơ thể, dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
Người có tiền sử gia đình bị thiếu máu: người có gia đình có tiền sử thiếu máu di truyền, như thiếu máu hồng cầu hình liềm, cũng có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu máu
Ngoài ra, còn một số yếu tố khác gây nên tình trạng thiếu máu ở người như nhiễm trùng, bệnh về máu và các rối loạn tự miễn, nghiện rượu, tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại và sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sản xuất tế bào hồng cầu và dẫn đến thiếu máu.
BẠN ĐỌC QUAN TÂM:
Hậu quả của tình trạng thiếu máu kéo dài
- Mệt mỏi
Thiếu máu kéo dài làm cho cơ thể mệt mỏi, uể oải, rã rời kể cả khi đã cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Nguyên nhân là do lượng oxy từ phổi vào máu tới các mô trong cơ thể không đủ để hoạt động.
Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Thiếu máu thường xuyên là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc phải một số bệnh lý tim mạch rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, suy tim. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng oxy trong máu không đủ cung cấp cho tim.
- Suy giảm trí tuệ
Một nghiên cứu của nhà khoa học Kristine Yaffe, đại học California thực hiện trên 2552 người nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của bệnh thiếu máu tới trí nhớ và tư duy trong 11 năm. Và kết quả cho thấy, người thiếu máu có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn 41% so với những người bình thường. Nguyên nhân là do lượng oxy lên não không được cung cấp đầy đủ, các tế bào thần kinh hoạt động không nhanh nhạy, từ đó làm giảm tư duy, ghi nhớ của người bệnh.
- Suy giảm chức năng hệ thần kinh
Một trong những nguyên nhân gây thiếu máu là thiếu vitamin B12. Trong khi đó vitamin B12 rất cần thiết trong quá trình sản sinh hồng cầu, đồng thời đây cũng là một vitamin đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chức năng của hệ thần kinh. Thiếu máu do thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến một số biến chứng trên thần kinh như suy giảm thị lực, cơ thể bị tê và cảm giác như kim châm (dị cảm), tổn thương các dây thần kinh ngoại biên, nhất là chân.
- Thiếu máu kéo dài ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của trẻ nhỏ
Ở phụ nữ đang mang thai, thiếu máu thường xuyên có thể gây tình trạng sinh non, thai nhi suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ băng huyết, sảy thai ở mẹ và dị tật ở trẻ.
Ở trẻ nhỏ, nếu thiếu máu do thiếu sắt lâu dài có thế khiến trẻ chậm phát triển cả về trí lực lẫn thể lực. Trẻ nhỏ sẽ hay đau ốm, quấy khóc, lười vận động hơn. Trẻ lớn thì chậm tiếp thu, cơ thể yếu, không nhanh nhẹn.
Người thiếu máu nên ăn gì mới tốt?
Người bị thiếu máu nên xây dựng chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất đặc biệt là chất sắt, folate, vitamin B12, vitamin C.
Chất sắt: có trong các loại thịt động vật như cá, gà; hải sản như tôm, cua, cá… ;đậu: đâu lặng; ngũ cốc; các loại rau lá xanh đậm và trái cây.
Chất folate: chất folate và dạng acid folic tổng hợp của nó có thể được tìm thấy trong trái cây tươi và nước trái cây như chuối, bơ, cam, các loại rau lá xanh đậm như rau chân vịt, cải rổ, bông cải xanh, rau mù tạt, cải cầu vồng, xà lách, cải xoăn, các loại đậu, ngũ cốc, củ dền…
Vitamin B12: bạn có thể tìm vitamin B12 trong các loại thịt trắng (gà, cá); hải sản, ngũ cốc, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hũ.
Vitamin C: các loại trái cây họ cam quýt hoặc dưa hấu, ổi, kiwi và quả mọng như dâu tây, lí đen, việt quất chứa rất nhiều vitamin C.
Đặc biệt, để việc bổ sung các chất tạo máu không là “công dã tràng”, bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm như sữa bò và các chế phẩm từ sữa, trà, cà phê, ca cao vì các thực phẩm này làm giảm khả năng hấp thụ sắt. Bạn không nên dùng các loại đồ uống này khi đang ăn thực phẩm bổ sung sắt.
Mong rằng bài viết trên có thể giúp bạn bổ sung thêm kinh nghiệm về thiếu máu nên ăn gì. Ngoài ra, để phát hiện sớm tình trạng thiếu máu, chúng ta cũng nên đến các cơ sở y tế để thăm khám định kỳ, phát hiện những bất thường về sức khỏe để có hướng và giải pháp khắc phục kịp thời.
Theo Ionia Việt Nam